Khu trưng bày di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc Lô 50 thuộc Nông trường Cao su Trần Văn Lưu, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng được công nhận Di tích văn hóa cấp Tỉnh ngày 01/04/2009 và được trùng tu xây dựng với diện tích 6,9 ha; khánh thành vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Công ty (21/5/1981 – 21/5/2011) và đón khách cho đến nay.
Chiến tranh thế giới thứ nhất sắp kết thúc, cơn sốt cao su trên thị trường thế giới ngày càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Giới tài phiệt kinh doanh về nguồn lợi này đổ xô đi tìm kiếm đất đai, tài nguyên và sức lao động để làm giàu. Hàng loạt công ty tư bản Pháp lần lượt sang Đông Dương để lập đồn điền và trồng cao su. Trong đó đại diện của công ty Michelin đến Dầu Tiếng lập đồn điền vào năm 1917 với tên gọi là đồn điền Michelin. Lúc đầu họ áp dụng chính sách lấy ngắn nuôi dài, thuê nhân công đốn gỗ phá rừng, gỗ kết thành bè và thả dọc sông sài gòn để bán cho công ty hỏa xa, suốt khoảng thời gian từ năm 1917 đến năm 1924 là những năm khai hoang, cho đến mùa mưa năm 1924 mới bắt đầu trồng cao su trên mảnh đất Dầu Tiếng và những Lô cao su đầu tiên ra đời được đặt tên theo thứ tự A; B; C; D; E; F;….mỗi lô khoảng 100 ha.
Để mở rộng diện tích cao su năm 1926 nhân công tại vùng không đủ để họ thuê mướn, do đó họ mộ dân từ miền Bắc, miền Trung của Việt Nam vào làm công nhân của đồn điền. Chính từ đây những làng cao su được thành lập và những ngôi nhà xây bằng đá, gạch, lợp bằng ngói được xây dựng lên tại các làng cao su, những ngôi làng này được đặt tên như sau: cứ cách Đồn điền bao nhiêu cây số đặt tên làng ở đó, cách 1 km gọi là làng một; cách 2 km gọi là làng hai và cứ như thế 22 làng công nhân ra đời tại Dầu Tiếng.
Lô 50 được người Pháp trồng năm 1960, chính nơi đây đã xảy ra cuộc đấu tranh của công nhân làng 14 với chủ Tây với chính sách tăng lương, giảm giờ làm. Chính lẽ đó Lô cao su này được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương công nhận là “Di tích văn hóa cấp Tỉnh” vào ngày 01/4/2009. Từ đây Lãnh đạo Công ty đã có chủ trương cho trùng tu, xây dựng lại với quy mô diện tích 6,9 ha.
Trong Khu trưng bày di tích có Nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật thời Pháp và bàn thờ Bác Hồ; có 3 ngôi nhà công nhân thời Pháp được phục dựng, những ngôi nhà này trước đây nằm ở xã Minh Hòa cách Di tích 19 cây số được di dời và phục dựng lại nguyên trạng. Đặc biệt có 2 ngôi nhà xây dựng tường bằng đá, loại đá này được mang từ núi cậu về (núi cậu cách di tích khoảng 10 km) và lợp bằng những viên ngói được chuyển từ bên Pháp sang. Mỗi căn nhà này họ bố trí hai hộ gia đình sống. Do khí hậu khắc nghiệt và chính sách hà khắc, người công nhân luôn gặp những căn bệnh như phù thủng, sốt rét. Căn nhà còn lại được xây tường bằng gạch, lợp bằng ngói của Pháp. Ngôi nhà này khang trang hơn các ngôi nhà khác, những người sống trong căn nhà này là những người gần gũi với chủ Tây hơn, lương cao hơn là những tài xế, sếp, cai… Ngoài ra, còn trưng bày một góc nhà máy chế biến cao su người Pháp để lại. Trước đây nhà máy chế biến mủ tờ, sau khi tiếp quản Công ty vẫn sử dụng công nghệ của Pháp và sau này chuyển đổi sang công nghệ hiện đại.
Việc xây dựng, bảo tồn Khu trưng bày di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc là việc làm rất có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Để có được vùng đất Cao su Dầu Tiếng hôm nay, hơn 100 năm qua đã biết bao thế hệ ông, cha đã ngã xuống. Chúng ta rất tự hào về truyền thống hào hùng của Con người và vùng đất Cao su Dầu Tiếng. Tập thể CB.CNLĐ Công ty đoàn kết một lòng, phấn đấu giữ vững thương hiệu Cao su Dầu Tiếng, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Công nhân giàu, Công ty mạnh” góp phần chung sức xây dựng vùng đất Cao su Dầu Tiếng đẹp, giàu./.
Văn Hải