Trong thời gian gần đây, trước những tác động mạnh mẽ của lạm phát cao và suy thoái kinh tế do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra đối với các doanh nghiệp, khái niệm quản trị rủi ro (Risk management – QTRR) trong doanh nghiệp được biết đến rộng rãi hơn. Đó là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát, những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro, đồng thời tìm cách biến rủi ro thành những cơ hội thành công. Một hệ thống quản lý rủi ro được tổ chức tốt và vận hành hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững và vượt qua những biến động.
Theo đó, sáng ngày 03/6/2020, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng phối hợp cùng Viện Năng suất Việt Nam đã tiếp tục tiến hành khai giảng Khoá đào tạo nhận thức hệ thống quản lý rủi ro ISO 31000 : 2018 cho 57 học viên là cán bộ, công nhân viên là lãnh đạo, quản lý công ty và các đơn vị trực thuộc hệ thống trong toàn công ty; ông Đỗ Hoàng Sơn – Phó tổng giám đốc công ty đã đến dự;
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung trong tình hình hiện tại và trong thời gian tới, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã tiến hành việc đẩy mạnh tổ chức nhiều khóa đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về Quản trị rủi ro doanh nghiệp là cần thiết nhằm giúp kiện toàn bộ máy nhân sự chuyên trách tại công ty và các đơn vị, sẵn sàng để xác định, đánh giá các rủi ro, biến chúng thành cơ hội phát triển.
Chuyên gia Đào Duy Trường – Giảng viên viện năng suất Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các nội dung cần thực hiện trong khoá đào tạo. Đây là chương trình đào tạo được thiết kế riêng dành cho các đánh giá viên, điều phối viên rủi ro của công ty và điều phối viên chức năng trực thuộc. Chương trình diễn ra với thời lượng 01 ngày; các học viên được nghe triển khai và tương tác thực tế nhằm tiếp nhận thông tin cụ thể với mục đích cuối cùng là học viên nắm vững và hiểu được phương pháp tiếp cận và khuôn khổ quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000 : 2018; Nắm được phương pháp quản lý rủi ro trong Bộ quy trình quản trị rủi ro và áp dụng trong công tác đánh giá và xử lý rủi ro tại đơn vị; Đánh giá được sự tương thích của Bộ quy trình của công ty, của ngành so với Tiêu chuẩn ISO 31000 : 2018, từ đó có khả năng xem xét, đề xuất cải tiến bộ quy trình quản lý rủi ro liên quan đến hoạt động đơn vị; Tích hợp khung quản lý rủi ro theo ISO 31000 : 2018 vào các hệ thống quản lý khác của đơn vị như quản lý chất lượng, quản lý an toàn thông tin./.
Việt Quang